Sỏi thận, niệu quản là kết quả của kết tụ các tinh thể trong nước tiểu. Sỏi hình thành từ thận, di chuyển xuống niệu quản và mắc kẹt tại đây, gây tắc nghẽn lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây sỏi thận, sỏi niệu quản
Sỏi được hình thành từ các loại tinh thể như sỏi acid uric, sỏi calci oxalate, sỏi struvite, sỏi cystine. Những tinh thể này tạo ra do thừa chất như acid uric, oxalate… hoặc do bệnh rối loạn chuyển hóa các chất calci, cystine…hoặc do nhiễm khuẩn tiết niệu dưới kéo dài.
Những người có nguy cơ mắc sỏi thận, sỏi niệu quản là người có tiền sử bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, có tiền sử sỏi thận; ít uống nước, ăn quá nhiều muối, nhiều đạm động vật; béo phì; bệnh gút; nhiễm trùng đường tiểu tái phát; cường tuyến cận giáp; uống một số loại thuốc kéo dài (thuốc lợi tiểu, corticoid, thuốc chống động kinh…).
Biểu hiện của sỏi thận, sỏi niệu quản
Biểu hiện tại đường tiết niệu:
Người bệnh đau vùng hố thắt lưng bên có sỏi, đau lan dọc xuống vùng bộ phận sinh dục ngoài, cơn đau âm ỉ hoặc đột ngột dữ dội nếu sỏi di chuyển xuống bị kẹt lại. Người bệnh sẽ bị tiểu buốt, tiểu rắt, thậm chí tiểu ra máu, tiểu ra mủ.
Biểu hiện toàn thân khi xuất hiện các biến chứng:
Ứ nước thận gây giãn đài bể thận: sỏi kẹt ở niệu quản khiến nước tiểu không thể lưu thông. Nếu người bệnh cố chịu đựng kéo dài, thận bên đó sẽ suy giảm chức năng dần và có thể suy thận không hồi phục, mất chức năng hoàn toàn.
Viêm mủ bể thận: ứ nước thận khiến vi khuẩn di chuyển ngược dòng lên gây viêm nhiễm bể thận, niệu quản. Từ đó vi khuẩn có thể phát tán vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng với biểu hiện sốt rét run, tụt huyết áp, li bì với tỷ lệ tử vong cao.
Suy thận cấp và suy thận mạn: thận ứ nước sẽ không bài tiết nước tiểu, gây suy chức năng thận cấp, nếu chịu đựng kéo dài sẽ gây suy thận mạn, mất chức năng hoàn toàn thận đó và có thể phải cắt thận mất chức năng.
Điều trị bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản
Nếu sỏi nhỏ, chưa biến chứng: có thể điều trị thuốc giảm đau, giãn cơ trơn để viên sỏi có khả năng tự rơi xuống ra ngoài.
Nếu sỏi lớn, cần phẫu thuật tán sỏi: Tùy vị trí, đặc điểm viên sỏi ở thận hay các đoạn niệu quản mà sẽ có phương pháp phẫu thuật riêng.
Nếu bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn huyết, ứ mủ thận, sốc nhiễm khuẩn: cần dùng kháng sinh sớm, hồi sức cấp cứu nội khoa để ổn định tình trạng, dẫn lưu mủ bể thận tạm thời. Nhiều thủ thuật nội khoa có thể cần can thiệp như thở máy, lọc máu, đặt ống thông.
Tiên lượng sỏi thận, sỏi tiết niệu: sỏi nhỏ, không biến chứng phần lớn tiên lượng tốt. Tuy nhiên có thể rất nặng, tử vong cao nếu biến chứng sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân nhiều bệnh lý nền.
Cách ngăn ngừa sỏi niệu quản
Có nhiều cách phòng ngừa sỏi niệu quản:
Uống nhiều nước. Nên uống ít nhất 2 lít đến 3 lít nước mỗi ngày. Nước là tốt nhất, nhưng các chất lỏng khác như nước chanh hoặc nước cam cũng là những lựa chọn tốt.
Hạn chế lượng protein động vật trong chế độ ăn uống của bạn (Protein động vật bao gồm thịt, trứng, cá) làm tăng lượng acid uric trong cơ thể bạn. Đậu lăng, đậu xanh, mì căn và đậu phụ là những nguồn protein tốt sẽ không làm tăng lượng acid uric trong cơ thể bạn.
Hạn chế lượng natri (muối) trong chế độ ăn uống của bạn. Tiêu thụ ít hơn 1.500 miligam muối mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi niệu quản. Có thể thay thế muối trong chế độ ăn uống của mình bằng các chất thay thế muối, thảo mộc, gia vị, nước chanh hoặc giấm có hương vị.
Hạn chế lượng oxalate (axit oxalic) trong chế độ ăn uống. Oxalate là một chất dinh dưỡng có trong rau bina, hạnh nhân, hạt điều và khoai tây. Thực phẩm và đồ uống có nhiều canxi có thể giúp ngăn ngừa oxalate.
Thông tin tham khảo : suckhoedoisong
------------------------
Công Ty Cổ Phần Thảo Dược Mộc Can.
Văn Phòng GD 01: Số 21/71 phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Văn Phòng GD 02: Số 30/23 phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0862.162.886 - 0862.632.886
Website: Thaoduocmoccan.com