Hậu quả của tắc nghẽn đường tiết niệu làm cho đài thận, bể thận và có thể cả niệu quản giãn dần ra, dẫn đến kích thước thận to lên so với bình thường gọi là hiện tượng thận ứ nước.
Ứ nước bể thận và niệu quản có thể dẫn đến nhiễm trùng tại thận. Nếu nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến tình trạng ứ mủ bể thận. Tùy theo nguyên nhân thận có thể ứ nước một bên hoặc cả hai bên, tùy theo thời gian và tiến triển của bệnh mà biểu hiện lâm sàng có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Trong những trường hợp mạn tính chức năng thận có thể bị suy giảm và không có khả năng hồi phục, thậm chí có thể dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối.
1. Nguyên nhân thận ứ nước, ứ mủ bể thận
Nguyên nhân chủ yếu gặp thận ứ nước, ứ mủ bể thận là do những cản trở cơ học từ bên trong hoặc bên ngoài cũng như những tổn thương chức năng đơn thuần không liên quan đến sự tắc nghẽn cố định trong hệ thống dẫn niệu.
Nghẽn, tắc cơ học có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường dẫn niệu, bắt đầu từ đài thận đến lỗ ngoài của niệu đạo.
Ở trẻ em các dị tật bẩm sinh chiếm ưu thế bao gồm hẹp khúc nối bể thận niệu quản, niệu quản sau tĩnh mạch chủ, van niệu đạo sau.
Ở người lớn, tắc nghẽn đường tiểu chủ yếu do các nguyên nhân mắc phải: Sỏi thận và sỏi niệu quản là nguyên nhân hay gặp, ngoài ra là các nguyên nhân như hẹp niệu quản, u niệu quản, cục máu đông.
Nguyên nhân do chấn thương niệu quản trong phẫu thuật ở vùng chậu hoặc đại tràng, do các khối u bên ngoài chèn ép vào niệu quản như ung thư cổ tử cung hay đại tràng, viêm nhiễm quanh niệu quản. Xơ hóa sau phúc mạc chưa rõ nguyên nhân cũng thường gặp ở nam tuổi trung niên và có thể dẫn đến tắc nghẽn niệu quản 2 bên.
2. Dấu hiệu nhận biết thận ứ nước, ứ mủ bể thận
Triệu chứng lâm sàng của thận ứ nước, ứ mủ bể thận còn tùy thuộc vào sự tắc nghẽn cấp tính hay mạn tính, tắc một bên hay hai bên, vị trí tắc thấp hay cao, có nhiễm khuẩn kết hợp hay chỉ ứ nước đơn thuần.
Nhiều trường hợp bệnh tiến triển âm thầm chỉ tình cờ phát hiện khi siêu âm hay khám sức khỏe định kì, hoặc bệnh nhân đi khám vì nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận.
Tuy nhiên, triệu chứng hay gặp nhất là đau mỏi, tức hông lưng do đài bể thận, bao thận bị căng giãn. Đau thường khởi phát khu trú ở vùng mạng sườn hay hông lưng rồi lan xuống ra sau.
Có thể đau 2 bên do tắc nghẽn cả 2 bên và đau tăng khi có nhiễm trùng. Sốt rét run từng đợt chỉ xuất hiện khi có nhiễm khuẩn. Bệnh nhân có thể bị rối loạn tiểu tiện: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu, tiểu đục nếu nhiễm khuẩn.
Thận to là dấu hiệu thường gặp, do giãn đài bể thận làm thận to lên có thể phát hiện được qua khám lâm sàng.
- Thay đổi số lượng nước tiểu: Lượng nước tiểu có thể tăng lớn hơn 2 lít/ngày do rối loạn chức năng cô đặc nước tiểu, hoặc có khi bệnh nhân bị thiểu niệu, vô niệu do tắc nghẽn niệu quản hoàn toàn cả hai bên.
- Tăng huyết áp: Khoảng 1/3 bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp khi thận bị ứ nước, huyết áp chỉ tăng nhẹ hoặc trung bình do thận tăng tiết renin hoặc có thể do giữ muối giữ nước. Trong trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện của suy giảm chức năng thận nặng và không hồi phục thì có thể có phù, da xanh, niêm mạc nhợt biểu hiện một tình trạng thiếu máu.
3. Điều trị thận ứ nước, ứ mủ bể thận
Tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng toàn thận, mức độ ứ nước, ứ mủ ở thận, nguyên nhân gây ứ nước và chức năng thận suy giảm cấp tính hay mạn tính mà có phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân cụ thể. Với nguyên tắc chung là loại bỏ yếu tố gây tắc nghẽn.
Thông thường các bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Phối hợp các nhóm thuốc hạ huyết áp nếu cần để khống chế huyết áp. Dẫn lưu bể thận qua cần thiết trong điều trị thận ứ nước, ứ mủ do các nguyên nhân khác nhau. Đây là một thủ thuật đơn giản, ít tốn kém, ít tốn thời gian, ít chấn thương và cho kết quả khả quan giúp giảm nhanh áp lực tại thận, giải quyết nhanh tình trạng ứ đọng và nhiễm khuẩn góp phần hồi phục nhu mô và chức năng thận.
Những trường hợp nguyên nhân không thể giải quyết được, nhiều bệnh nhân đã lựa chọn việc dẫn lưu tạm thời thành biện pháp lâu dài để duy trì chức năng thận hoặc để tránh việc phải lọc máu ngắt quãng vì việc lọc máu ngắt quãng quá tốn kém và mất nhiều thời gian. Cắt bỏ thận được chỉ định khi thất bại trong điều trị bảo tồn và nhu mô thận đã bị phá hủy nhiều dẫn đến mất chức năng hoàn toàn và không có khả năng hồi phục.
4. Phòng bệnh thận ứ nước, ứ mủ bể thận
Để phòng bệnh thận nói chung và thận ứ nước, ứ mủ bể thận nói riêng chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày, giảm ăn mặn, ăn nhiều rau quả, hạn chế uống các loại vitamin C kéo dài nếu trong nước tiểu đã có tinh thể Oxalate, ăn uống thực phẩm chứa calci vừa phải.
Ngoài ra, cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Đặc biệt không được nhịn tiểu, khi buồn tiểu cần đi ngay, không nên nín tiểu quá lâu. Cần vệ sinh vùng kín kỹ và siêu âm mỗi năm một lần để đánh giá tình trạng của thận.
-----------------------
Công Ty Cổ Phần Thảo Dược Mộc Can.
Văn Phòng GD 01 : Số 21 ngõ 71 phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Văn Phòng GD 02: Số 30 ngõ 23 phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0862.162.886 - 0862.632.886
Website: Thaoduocmoccan.com