Khẩu phần ăn hàng ngày có mối liên quan mật thiết tới chất lượng sức khỏe. Bữa ăn lành mạnh có vai trò quan trọng để cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu cơ thể, nâng cao sức đề kháng, điều hòa hệ miễn dịch. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời điểm nắng nóng và dịch bệnh như hiện nay.
Tác hại của việc ăn uống thiếu lành mạnh
Thừa cân, béo phì là một trong những tác hại của việc ăn uống không lành mạnh, không khoa học
Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng (nhiều thịt, mỡ động vật) của người Việt đã làm gia tăng các bệnh mạn tính hiện nay như: thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút, rối loạn mỡ máu,…
Mức tiêu thụ thịt quá cao, đặc biệt là thịt đỏ một phần là do thói quen tiêu dùng là bữa ăn phải có thịt, đặc biệt là trong các bữa cỗ, bữa tiệc; đồng thời vì thịt dễ chế biến và thời gian chế biến nhanh; thịt dễ ăn và phù hợp với tiêu hóa của trẻ em, người già; các bà mẹ không tập cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm như tôm, cua, cá, đậu phụ, đậu đỗ,…ngay từ khi còn nhỏ đã vô tình tạo nên thói quen cho trẻ chỉ ăn thịt, không ăn rau trong bữa ăn hàng ngày.
Ăn uống lành mạnh để hạn chế bệnh tật
Để có sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế mắc các bệnh mạn tính, thì người Việt cần thay đổi thói quen tiêu dùng thịt, ăn uống lành mạnh hơn.
Ăn uống lành mạnh đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm gồm nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ăn uống lành mạnh đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm gồm nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng. Một chế độ ăn lành mạnh cần có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu đỗ, chất xơ, thức ăn nguồn động vật (thịt, cá, trứng, và sữa), hạn chế ăn muối, đường tự do, chất béo bão hòa, các thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt có đường.
Người dân nên ăn chất đạm đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, nên bổ sung chất đạm động vật và thực vật, với tỉ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật, giảm tiêu thụ thịt các loại, tăng cường ăn cá, hải sản, đậu phụ và sản phẩm từ đậu đỗ.
Hạn chế các loại thịt đỏ 70-80g/ngày/người như bò, heo, cừu... tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa, thịt gia cầm... Để hạn chế sự gia tăng của các bệnh mạn tính thừa cân béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gút... thì người trưởng thành nên ăn chất đạm động vật theo tỉ lệ khoảng 30%-50% tổng số chất đạm, tỷ lệ lipid động vật / lipid tổng số là dưới 60%.
Tuổi càng cao thì nên ăn lượng protein từ động vật càng ít, cần bổ sung lượng protein hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật. Với trẻ nhỏ, nguồn đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Bữa ăn lành mạnh cung cấp đầy đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng đa lượng và các vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể ở mức hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp phòng chống các bệnh mạn tính không lây.
Ngoài ăn uống lành mạnh nhất thiết phải có các hoạt động thể lực hợp lý, duy trì lối sống năng động, khỏe mạnh.
Chúc mọi người thật nhiều sức khỏe!
Thảo dược Mộc Can