Táo đỏ là một loại quả quen thuộc trong y học cổ truyền, được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc và món ăn. Tuy nhiên, nên dùng loại tươi hay khô thì có lợi hơn cho sức khỏe?
Lợi ích của táo đỏ
Táo đỏ hay còn gọi là đại táo, là quả chín của cây táo tàu có tên khoa học là Zizyphus sativa Mill, thuộc họ Táo Rhamnaceae. Cây có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đất Nam Á và bắt đầu được đem đi nhân giống ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Cho tới nay, táo đỏ ở nước ta dùng vẫn hoàn toàn phải nhập của Trung Quốc. Vào tháng 9, quả chín hái về phơi hay sấy khô là được. Thường chọn những quả mẫm, hạch nhỏ, vị ngọt, màu đỏ được coi là tốt.
Táo đỏ vị ngọt, tính ôn, quy kinh Tỳ Vị, có tác dụng bổ Tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân, điều hòa dinh vệ, hòa giải các vị thuốc.
Táo đỏ mang lại nhiều lợi ích như:
- Táo đỏ có hàm lượng kali phù hợp giúp cơ thể cân bằng điện giải và duy trì sức mạnh cơ bắp.
- Lignins trong táo đỏ là một loại chất xơ có đặc tính chống oxy hóa, kích thích sản xuất tế bào miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Vitamin C trong táo đỏ cũng là thành phần có tác dụng nâng cao miễn dịch, tăng cường đề kháng cho cơ thể.
- Các hợp chất chống oxy hóa trong táo đỏ như flavonoid, polysaccharide, axit triterpenoid và vitamin C có thể ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do. Nhờ đó giúp cơ thể phòng ngừa nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm như đái tháo đường, bệnh tim mạch và nhiều loại bệnh ung thư.
- Hoạt chất phenolic, saponin và flavonoid có trong táo đỏ có thể làm dịu thần kinh, giúp an thần nên có thể giảm căng thẳng, giúp chúng ta dễ ngủ, ngủ ngon, sâu giấc hơn.
- Các chất có trong táo đỏ được cho rằng có thể cải thiện chức năng não bộ, bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương, tăng cường trí nhớ.
- Với hàm lượng chất xơ cao, táo đỏ hỗ trợ tiêu hóa, giúp nhuận tràng và phòng táo bón.
- Các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh táo đỏ giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột, giảm nguy cơ viêm loét dạ dày.
- Táo đỏ có thể giúp giảm nồng độ creatinin và urê nên rất tốt cho thận.
- Trong táo đỏ có hàm lượng sắt và phốt pho dồi dào nên giúp người ăn phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Các hoạt chất saponin, alkaloid và triterpenoid cũng có tác dụng thải độc máu.
- Các thành phần khoáng chất canxi, phốt pho, sắt có trong táo đỏ giúp tăng cường sức mạnh xương khớp, giảm nguy cơ loãng xương.
Nên lựa chọn sử dụng táo đỏ tươi hay khô?
Táo đỏ có thể được sử dụng ở dạng tươi hoặc ở dạng khô. Táo đỏ tươi vỏ ngoài màu đỏ tươi, căng mọng, thịt quả giòn mát, ngọt thanh.
Táo đỏ khô có màu đỏ nâu đậm, vị ngọt đậm đà, kết cấu dẻo, dai và mềm, dễ bảo quản.
Táo đỏ khô vẫn giữ nguyên được những tác dụng như táo đỏ tươi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn không biết nên chọn dùng táo đỏ tươi hay táo đỏ khô. Việc lựa chọn táo đỏ tươi hay táo đỏ khô phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Mục đích sử dụng: Táo đỏ tươi thường được sử dụng để ăn trực tiếp hoặc làm các món tráng miệng còn táo đỏ khô thường được dùng để nấu chè, hầm thuốc bắc, làm bánh kẹo.
- Mùa vụ: Táo đỏ tươi chỉ có sẵn vào mùa, trong khi táo đỏ khô có thể sử dụng quanh năm
- Tình trạng sức khỏe: Táo đỏ khô thường có hàm lượng đường và cung cấp lượng calo cao hơn táo đỏ tươi, do đó táo đỏ tươi được ưu tiên sử dụng hơn ở người bệnh đái tháo đường, người thừa cân béo phì.
- Hương vị: Mỗi người có một khẩu vị khác nhau nên người dùng có thể thử cả hai loại để lựa chọn loại phù hợp với mình.
Một số lưu ý khi ăn táo đỏ
- Có thể ăn táo đỏ vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Ăn táo đỏ vào buổi sáng giúp tinh thần phấn chấn, cơ thể khỏe mạnh trong khi đó việc ăn táo đỏ vào buổi tối giúp ngủ ngon, an thần.
- Dù táo đỏ tốt cho sức khỏe những loại quả này khá ngọt. Nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tăng cân ngoài ý muốn. Mỗi ngày, một người khỏe mạnh chỉ nên ăn khoảng 5 trái táo đỏ tươi và 3 trái táo đỏ khô là phù hợp.
- Táo đỏ có thể phản ứng với các loại thuốc chống trầm cảm, do đó những ai đang dùng loại thuốc này không nên ăn táo đỏ. Những ai đang dùng thuốc chống co giật như phenytoin, phenobarbital và carbamazepin nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn táo đỏ. Bởi các chất có trong táo đỏ có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc này.
- Người bị bệnh đái tháo đường không nên ăn táo đỏ thường xuyên, nhất là loại sấy khô vì táo đỏ có thể làm tăng đường huyết sau khi ăn.
- Người đang bị chướng bụng, đầy hơi, chảy máu cam, đau răng, mụn nhọt, mẩn ngứa cũng không nên ăn táo đỏ.
Thông tin tham khảo : suckhoedoisong
------------------------
Công Ty Cổ Phần Thảo Dược Mộc Can.
Văn Phòng GD 01: Số 21/71 phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Văn Phòng GD 02: Số 30/23 phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0862.162.886 - 0862.632.886
Website: Thaoduocmoccan.com