Với người bị tiểu đường, ngoài chế độ dinh dưỡng thì lối sống khoa học, lành mạnh góp phần rất lớn giúp ổn định đường huyết, giúp người tiểu đường sống vui, sống khỏe. Thế nhưng, khi luyện tập thể dục thể thao, người tiểu đường cần chú ý một số vấn đề để việc luyện tập đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Hãy cùng Thảo dược Mộc Can tìm hiểu, người bị tiểu đường khi luyện tập cần lưu ý những gì trong bài viết này nhé!
Mối liên hệ giữa Luyện tập và Tiểu đường
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính, hệ quả là gây nhiều biến chứng, làm tổn thương nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mạch máu và thần kinh.
Nghiên cứu đã chứng minh hoạt động thể lực một cách có hệ thống với công suất vận động hợp lý làm giảm nồng độ đường máu cả trong và sau khi tập nhờ cơ chế tăng sử dụng đường tại cơ và tăng tính nhạy cảm với insulin của tế bào. Về lâu dài có tác dụng ổn định nồng độ đường máu và làm giảm nhu cầu thuốc hạ đường máu và insulin, giảm biến chứng do tiểu đường gây ra.
Các lưu ý khi luyện tập dành cho người Tiểu đường
Tập đúng phương pháp, phù hợp với bản thân
Người mới bắt đầu luyện tập cần xác định loại hình vận động, cường độ, tần suất, thời gian phù hợp với đặc điểm cá nhân, tình trạng sức khỏe. Nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tập để phát hiện những bệnh lý, những rối loạn tiềm tàng khác hoặc những biến chứng đã có của Tiểu đường. Đặc biệt là các bệnh lý hay biến chứng tim, mạch máu, huyết áp, thận, thần kinh ngoại biên, bệnh lý cơ quan vận động nhằm được tư vấn loại hình vận động phù hợp nhất.
Chú ý ảnh hưởng của tập luyện với đường máu
Xác định nồng độ đường máu trước khi tập, nếu quá cao (trên 250mg/dl) hay quá thấp (dưới 70mg/dl) không nên tập hoặc phải điều trị ổn định mới tập. Nên đo nồng độ đường máu sau khi tập thường xuyên, định kỳ để đánh giá ảnh hưởng của tập luyện, nhằm xác định loại hình bài tập, cường độ, thời gian, tần suất vận động thích hợp nhất. Ngừng tập và khám ngay nếu phát hiện những bất thường của cơ thể trong quá trình luyện tập. Đồng thời cũng cần định kỳ kiểm tra tổng thể để phát hiện sớm những ảnh hưởng bất lợi của việc tập luyện và xử lý kịp thời.
Đảm bảo an toàn khi tập luyện
Trang phục, giày tập phải phù hợp, nhất là đối với những người có biến chứng thần kinh ngoại biên gây giảm hoặc mất cảm giác ở chân. Tránh tập quá gần (dưới 2h) hoặc quá xa (trên 4h) sau khi ăn. Cần chuẩn bị sẵn một số thức ăn có đường để bổ sung kịp thời khi có các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, run tay chân… do hạ đường huyết trong khi tập, nhất là ở những người đang dùng thuốc hạ đường huyết và insulin. Nên tập theo nhóm để được hỗ trợ kịp thời khi có các nguy cơ hạ đường máu hay biến chứng
Tuân thủ các nguyên tắc tập luyện
Nên bắt đầu với lượng vận động nhẹ rồi tăng dần, duy trì tập luyện với cường độ thấp hơn năng lực một chút nhưng đều đặn thường xuyên có ý nghĩa hơn nhiều so với hoạt động cường độ cao thời gian ngắn. Những người có biến chứng tim mạch nên giảm cường độ, nhất là các bài tập sức mạnh như nâng, đẩy, chạy nhanh, các môn đối kháng... Nếu có biến chứng ở mắt nên giảm trọng lượng dụng cụ tập và tăng số lần thực hiện động tác…
Hi vọng, những kiến thức trên sẽ giúp người bị Tiểu đường có thêm thông tin và luyện tập hiệu quả để có được sức khỏe tốt nhất!
Thảo dược Mộc Can