Theo các chuyên gia y tế, huyết áp cao là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến các động mạch của cơ thể. Khi bị tăng huyết áp, lực đẩy của máu lên thành động mạch luôn ở mức quá cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu.
Tăng huyết áp nếu không được điều trị tốt sẽ làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được để phòng tăng huyết áp
Chế độ ăn uống: Thói quen ăn mặn, ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Vì vậy, bạn cần cắt giảm muối trong chế độ ăn uống. Thay vào đó cần tăng cường ăn rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Lười vận động: Ít vận động làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Những người không hoạt động có nhịp tim cao hơn, điều này khiến tim của bạn làm việc nhiều hơn và có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy bạn cần hoạt động thể chất nhiều hơn và thường xuyên hơn để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể càng nặng, cơ thể bạn càng phải bơm nhiều máu hơn. Điều này gây căng thẳng hơn cho các mạch máu, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Vì vậy, duy trì trọng lượng hợp lý và giảm cân nếu thừa cân, béo phì sẽ giúp kiểm soát huyết áp.
Hút thuốc: Chất nicotin trong các sản phẩm thuốc lá gây kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp. Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tim.
Uống rượu: Uống rượu bia là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong việc khởi phát cơn tăng huyết áp cũng như các biến chứng do tăng huyết áp như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, gout, tăng triglyceride máu…
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tai biến mạch máu não với tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao. Bên cạnh đó, tăng huyết áp còn gây nhiều biến chứng như phình tách động mạch chủ, biến chứng về mắt, biến chứng suy thận, nhồi máu cơ tim… nên kiểm soát huyết áp là mục tiêu phải đạt được ở bệnh nhân bị tăng huyết áp.
Để kiểm soát huyết áp, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, bỏ thuốc lá, giữ cân bằng tâm lý, tránh căng thẳng lo âu, căng thẳng vì stress là nguyên nhân khiến cho cơ thể mệt mỏi, tim đập nhanh, huyết áp tăng cao.
Khi bị tăng huyết áp người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp như: ăn nhạt, ăn ít mỡ, đường, các loại thịt đỏ; Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt để góp phần duy trì huyết áp ổn định. Đặc biệt, cần lưu ý hạn chế tối đa uống rượu bia
Uống rượu bia nguy hiểm thế nào với người bệnh tăng huyết áp?
Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Việc lạm dụng rượu bia vô cùng có hại cho sức khỏe. Đặc biệt có nguy cơ gây ra vỡ mạch máu ở người bệnh tăng huyết áp mà ngay cả khi uống thuốc cũng không kiểm soát được.
Nguyên nhân do rượu làm cho tim đập nhanh, mạch máu co lại, làm huyết áp tăng lên. Khi huyết áp tăng vọt lên sẽ dẫn đến những biến chứng tim mạch nguy hiểm khác như đột quỵ (bao gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim)…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người dùng quá nhiều rượu bia có trị số huyết áp cao hơn những người khác từ 5 - 10mmHg. Ngoài ra, nó còn gây tổn thương nặng nề đến các cơ quan khác, trong đó phổ biến nhất là gan và thận. Một số trường hợp, chất độc từ rượu bia còn tích lũy và gây viêm loét dạ dày, xơ gan, ung thư…
Uống nhiều rượu bia cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến các rối loạn chuyến hoá mỡ, đường, acid uric, béo bụng, tăng cân khó kiểm soát. Đây cũng là những nguyên nhân làm huyết áp tăng lên.
Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần hạn chế tối đa uống rượu bia, thay vào đó nên uống nước khoáng, nước ép trái cây… Luôn theo dõi sức khỏe, bất cứ khi nào thấy các dấu hiệu như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu chi, nói khó, đau tức ngực… cần phải kiểm tra ngay huyết áp và liên lạc với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần hạn chế tối đa uống rượu bia, thay vào đó nên uống nước khoáng, nước ép trái cây… Luôn theo dõi sức khỏe, bất cứ khi nào thấy các dấu hiệu như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu chi, nói khó, đau tức ngực… cần phải kiểm tra ngay huyết áp và liên lạc với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí kịp thời.