Lá tía tô không chỉ có màu sắc tím đẹp mắt mà lại có vị hương thơm rất đặc trưng với công dụng tốt cho sức khỏe, bạn đã từng ăn thử loại lá này chưa? Vậy cùng Thảo dược Mộc Can giúp bạn hiểu rõ hơn về tía tô là gì, các dược tính, tác dụng và một số lưu ý khi sử dụng loại thảo dược này nhé!
Tía tô là cây gì?
Tía tô có tên khoa học là Perilla ocymoides L. hoặc Perilla frutescens L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Tía tô là cây thân thảo có chiều cao từ 0,5 - 1m, hầu như mọc và phát triển đều quanh năm. Thân cây mọc thẳng đứng, có lông mềm. Lá tía tô mọc đối, hình dạng trứng, xuất hiện răng cưa lớn ở mép lá và lông phủ đầy trên bề mặt. Màu sắc của lá có thể là màu tím hoặc đôi lúc là màu xanh tím.
Cuống lá ngắn, dài khoảng 2 - 3cm. Hoa nhỏ, mọc thành chùm ở kẽ cuống, có thể có màu trắng hoặc màu tím. Quả hình cầu, rất bé đường kính 1mm và có màu nâu.
Trong tía tô lượng tinh dầu chiếm 0,5%, trong đó chủ yếu là perillaldehyde (55%) - chất tạo ra mùi đặc trưng của tía tô. Màu tím trong lá tía tô là do thành phần anthocyanin – một flavonid có trong nhiều loại rau củ quả có màu đỏ tím, đây cũng là chất có tính chống oxy hóa mạnh.
Tác dụng của cây tía tô
- Tía tô được sử dụng như một loại rau hằng ngày bên cạnh có công dụng tốt chữa bệnh. Theo Đông y, cây tía tô là một trong những cây có nhiều bộ phận được dùng làm thuốc bao gồm: Tô tử (hạt tía tô), tô diệp (lá tía tô), tô ngạnh (thân cành tía tô) và tử tô (toàn cây trên mặt đất).
- Lá tía tô có vị cay, tính ôn, quy kinh phế và tỳ. Lá tía tô có thể dùng dạng tươi hoặc sau phơi trong bóng râm/sấy khô nhẹ để giữ lấy hoạt chất và hương vị; thường được sử dụng để làm ra mồ hôi trong trường hợp cảm phong hàn (không nên đun nấu tía tô lâu dễ làm mất tinh dầu); giải độc thức ăn do cua, cá (lá tươi giã vắt lấy nước hoặc sắc 10g lá khô hoặc nấu cùng cua, cá); trợ giúp hô hấp và tiêu hóa.
- Cành tía tô có vị cay, tính ấm, là vị thuốc hành khí thường được dùng với tác dụng điều hòa hô hấp, an thai.
- Hạt tía tô có tác dụng giáng khí tiêu đàm, dùng trong các bệnh khó thở như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Dịch chiết tía tô có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, điều hòa miễn dịch.
Một số nghiên cứu cho thấy tiềm năng kháng ung thư của tía tô thông qua chất acid tormentic có trong cả tía tô tím và xanh. Cơ chế bao gồm việc ức chế hình thành tế bào ung thư, ức chế sự tổn thương oxy hóa DNA và sự nhân lên của tế bào (nghiên cứu trên ung thư đại tràng, ung thư gan).
Dầu hạt tía tô rất giàu các acid béo thiết yếu như acid α-linolenic (54-64%) và acid linoleic (14%), đây là những acid béo có tác dụng điều hòa cholesterol máu và bảo vệ tim mạch.
Những lưu ý khi sử dụng tía tô
Tuy tía tô có công dụng tốt đến sức khỏe nhưng bạn cũng nên lưu ý hơn trong cách sử dụng loại rau này, như:
- Tránh sử dụng lá tía tô khi đang bị tiêu chảy: Vì tía tô có công dụng tốt cho hệ tiêu hóa nên sẽ làm tình trạng tiêu chảy có thể nặng hơn.
- Có thể gây dị ứng đối với một số người: Không chỉ việc ăn tía tô mà nhất là việc sử dụng tinh dầu tía tô cũng có thể gây dị ứng với một số người. Vì thế, bạn nên thoa một lượng nhỏ trên da tay để xem phản ứng da ra sao trước khi dùng tinh dầu hoặc ăn lá tía tô.
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Khi sử dụng tinh dầu tía tô trên da sau ít nhất 1 tiếng, thì bạn mới có thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Tránh lạm dụng tía tô trong việc hỗ trợ sức khỏe và cải thiện nhan sắc: Việc lạm dụng tía tô dưới bất kì hình thức nào cũng đều gây ra tác dụng phụ như: làm tăng việc đổ mồ hôi, tăng huyết áp,… và nhất là những người đang có vấn đề về sức khỏe thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Thảo dược Mộc Can