Bệnh tăng huyết áp không chỉ để lại nhiều biến chứng cho các cơ quan trong cơ thể mà còn ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới mắt. Bệnh tăng huyết áp võng mạc có thể làm vỡ các mạch máu và chảy máu trong mắt, gây mờ mắt hoặc mù vĩnh viễn.
Tăng huyết áp ảnh hưởng tới mắt được chia thành các giai đoạn với những biểu hiện khác nhau:
- Giai đoạn 1: Bệnh nhân bị tăng huyết áp kéo dài, chưa xuất hiện các triệu chứng, tim và thận cũng chưa bị ảnh hưởng. Khi thăm khám đáy mắt sẽ thấy có động mạch co nhỏ.
- Giai đoạn 2: Lúc này, các chỉ số huyết áp cao hơn, chức năng tim thận vẫn hoạt động tốt, ngoài dấu hiệu động mạch võng mạc co nhỏ thì xuất hiện thêm dấu hiệu bắt chéo động tĩnh mạch mà chỉ bác sĩ soi đáy mắt mới nhận biết được.
- Giai đoạn 3: Chỉ số huyết áp khá cao và kéo dài. Lúc này tim và thận bị suy giảm chức năng rõ rệt, bệnh nhân cảm giác khó thở khi gắng sức. Xuất hiện một vài tổn thương ở não, tim , võng mạc và suy thận. Soi đáy mắt có thể thấy xuất huyết, xuất tiết ở võng mạc.
- Giai đoạn 4: đây được gọi là giai đoạn tăng huyết áp ác tính, chỉ số huyết áp rất cao đi kèm với những tổn thương nặng ở não, tim, thận và võng mạc. Khi soi đáy mắt sẽ có thêm phù giai thị
Tăng huyết áp sẽ làm cho người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh khác ở võng mạc như tắc động mạch trung tâm hoặc động mạch nhánh võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm hoặc tĩnh mạch nhánh võng mạc, phình động mạch võng mạc. Những biến chứng này có thể sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng khác ở võng mạc như xuất hiện tân mạch ở võng mạc, xuất huyết pha lê thể và màng trên võng mạc. Ở người đã bị bệnh võng mạc do tiểu đường, tăng huyết áp sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Phù gai thị kéo dài sẽ làm teo thần kinh thị giác, do đó mắt mờ rất nhiều.
Huyết áp là áp lực dòng máu tác động lên thành mạch, khi huyết áp tăng cao sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu toàn thân và đặc biệt là những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc mắt, khiến chúng bị giãn, nứt vỡ, xuất hiện cục máu đông gây ra các biến chứng sau:
Tắc động mạch trung tâm võng mạc: người bệnh thường có biểu hiện mắt bị mờ đột ngột, thậm chí mù một mắt hoàn toàn nhưng không thấy đau hay đỏ mắt. Thời gian vàng để cấp cứu khôi phục thị lực là trong vòng 2 giờ đầu, mức độ cải thiện sẽ giảm dần trong vòng 6 giờ đồng hồ sau đó.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: Gây phù nề võng mạc khiến thị lực giảm dần trong vài ngày, nhìn như có lớp sương mù trước mắt hoặc có những điểm tối vùng trung tâm. Tùy mức độ bệnh mà thị lực sẽ giảm ít hay nhiều, do vậy ngay khi phát hiện có dấu hiệu nhìn mờ, người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín.
Xuất huyết dịch kính: Máu tràn vào dịch kính khi mạch máu nứt vỡ làm chắn đường truyền của tia sáng, khiến người bệnh nhìn thấy lớp khói đỏ, màng che màu đỏ di động. Tình trạng này có thể hết sau một vài ngày, tuy nhiên cũng có thể phát triển nặng hơn gây đục dịch kính khó điều trị.
Hiện tượng ruồi bay: Lúc này, người bệnh cảm giác có rất nhiều đốm đen bay trước mắt. Nguyên nhân là do khi tĩnh mạch võng mạc bị tắc, trên võng mạc có thể xuất hiện những mạch máu mới. Những mạch máu mới này rất dễ vỡ và khi vỡ chúng gây chảy máu ở bên trong mắt tạo nên hiện tượng ruồi bay.
Tổn thương dây thần kinh thị giác: Lượng máu, dịch thoát ra khỏi lòng mạch sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác khiến người bệnh mất thị lực nhanh chóng và không thể hồi phục.
Để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra cho mắt, người bệnh nên tuân thủ theo sự hướng dẫn thăm khám và điều trị của bác sĩ, đồng thời duy trì lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Vì những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp gây ra cho mắt cũng như nhiều các cơ quan khác trong cơ thể nên việc theo dõi và kiểm soát huyết áp hằng ngày là việc làm vô cùng cần thiết. Đặc biệt khi bệnh tăng huyết áp thường không có dấu hiệu rõ ràng mà chỉ diễn biến âm thầm phá hủy nhiều các cơ quan trong cơ thể.