Tăng nhãn áp có thể xảy ra ở những người có và không có bệnh tiểu đường, và có thể là một biến chứng của bệnh tiểu đường nếu bệnh võng mạc phát triển.
Khi chất dịch bên trong mắt không được lưu thông đúng cách, nó có thể dẫn đến áp lực dư thừa, dẫn đến vấn đề về mắt kèm theo bệnh tiểu đường gọi là tăng nhãn áp. Sự gia tăng áp lực có thể gây tổn hại dây thần kinh và các mạch máu trong mắt, gây ra những thay đổi trong thị lực.
Bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mất thị lực và mù lòa. Tuy nhiên, nếu điều trị sớm, bạn có thể thường xuyên bảo vệ đôi mắt khỏi bị mất thị lực nghiêm trọng.
Ai có thể có biến chứng này?
Bệnh nhân tiểu đường tăng 40% nguy cơ bị tăng nhãn áp hơn so với những người không bị tiểu đường. Bạn bị tiểu đường càng lâu, khả năng bị tăng nhãn áp càng nhiều. Nguy cơ cũng tăng lên khi bạn lớn tuổi.
Hơn nữa, nếu bạn có bệnh võng mạc tiểu đường, bạn cũng có nguy cơ cao bị tăng nhãn áp. Trong võng mạc tiểu đường, mạch máu bất thường phát triển và làm tắc nghẽn sự thoát dịch tự nhiên của mắt.
Các triệu chứng của tăng nhãn áp là gì?
Trong giai đoạn đầu của bệnh tăng nhãn áp, bạn có thể không nhận thức được sự bất thường của mắt bởi vì có thể không có triệu chứng gì cả. Nếu mất thị lực xảy ra, tình trạng của bạn đã nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn sẽ phải kiểm tra mắt ít nhất mỗi năm một lần nếu bạn được chẩn đoán có bệnh tiểu đường.
Tại sao bạn bị tăng nhãn áp?
Bệnh tăng nhãn áp xảy ra khi áp lực tích tụ trong mắt. Trong hầu hết trường hợp, áp lực khiến hệ thống thoát dịch lỏng chậm khiến dịch tích tụ trong tiền phòng. Áp lực chèn ép các mạch máu mang máu đến võng mạc và thần kinh thị giác. Thị lực dần mất đi vì võng mạc và dây thần kinh bị tổn thương.
Bệnh nhân tiểu đường cũng có nhiều khả năng mắc thể tăng nhãn áp không điển hình, gọi là tăng nhãn áp tân mạch. Ở thể này, mạch máu mới phát triển trên tròng đen, phần màu sắc của mắt. Những mạch máu này chặn dòng chảy bình thường của dịch ra khỏi mắt, làm tăng áp lực trong mắt. Bệnh rất khó điều trị. Có một lựa chọn là phẫu thuật lazer để làm giảm mạch máu. Các bác sĩ cũng đang nghiên cứu việc sử dụng cấy ghép để giúp làm thoát dịch.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh này như thế nào?
Cách duy nhất để chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp là kiểm tra mắt toàn diện.
Bác sĩ thường cho bạn thuốc nhỏ mắt để làm giãn đồng tử. Khi đồng tử giãn đủ rộng, bác sĩ sẽ nhìn vào bên trong mắt và thần kinh thị giác.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra áp lực trong mắt, gọi là đo nhãn áp. Áp lực nội nhãn không ổn định tại những thời điểm khác nhau trong ngày. Áp lực nội nhãn thậm chí có thể bình thường ở một số người tăng nhãn áp. Do đó, bác sĩ sẽ cần phải thực hiện các thử nghiệm khác để xác nhận bệnh tăng nhãn áp. Chúng bao gồm:
- Soi góc tiền phòng. Sử dụng thấu kính đặc biệt để kiểm tra góc mắt.
- Hình ảnh thần kinh thị giác. Hình chụp hoặc hình quét lazer bên trong mắt bạn.
- Kiểm tra võng mạc. Võng mạc là mô nhạy cảm ánh sáng ở phía sau của mắt.
- Khám phản xạ đồng tử. Kiểm tra đồng tử của bạn đáp ứng với ánh sáng như thế nào.
- Khám mắt bằng đèn khe. Xem hình ảnh 3-D của mắt.
- Kiểm tra thị lực. Kiểm tra độ sắc nét của thị lực.
- Đo thị trường. Kiểm tra vùng nhìn thấy của bạn.
Các phương pháp điều trị bệnh tăng nhãn áp là gì?
Việc điều trị bệnh tăng nhãn áp thường là thuốc nhỏ mắt để làm giảm áp lực trong mắt. Phương pháp điều trị khác bao gồm: Dùng thuốc uống và nhỏ. Ngoài ra còn có điều trị bằng lazer (cắt mống mắt chu biên) và phẫu thuật cắt bè củng mạc.
- Điều trị lazer sử dụng tia lazer không đau để mở kênh nơi dịch thoát ra ngoài.
- Nếu thuốc nhỏ mắt và điều trị lazer không hiệu quả, bạn có thể cần phải phẫu thuật. Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ sử dụng một con dao nhỏ để cắt mở một kênh mới để dịch có thể chảy ra. Điều này giúp làm giảm áp lực.
Bác sĩ có thể tư vấn thêm cho bạn về loại thuốc nhỏ mắt thích hợp nhất cho tình trạng của bạn.
Bạn có thể làm gì để kiểm soát bệnh tăng nhãn áp?
Bạn không thể ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp vì không có triệu chứng. Tuy nhiên, bạn có thể giúp ngăn ngừa mất thị lực bằng cách làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguồn: Hello Bacsi