Ăn ít thịt, đừng nấu quá chín, không lạm dụng thuốc… giúp đường huyết không tăng quá nhanh, việc chữa trị thêm khả quan.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hà, tốt nghiệp Viện Dinh dưỡng Toàn diện Mỹ, có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn dinh dưỡng bệnh nhân tiểu đường cho biết, bên cạnh việc xây dựng thực đơn dinh dưỡng và lối sống hợp lý, người bệnh cũng cần giảm các thói quen xấu gây tăng đường huyết.
Hạn chế thức ăn động vật
Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc hấp thụ protein từ thức ăn động vật làm tổn thương sự nhạy cảm hooc môn chuyển hoá đường của tế bào và tăng cường tình trạng kháng hooc môn này của cơ thể. Thậm chí từng có kết quả khảo sát những người tiêu thụ protein động vật cao có nguy cơ tiểu đường tuýp 2 cao hơn.
Vì vậy, thực đơn của người bệnh tiểu đường cần được xây dựng đa dạng và đầy đủ, ưu tiên rau củ quả tươi sống, ngũ cốc nguyên cám giúp cơ thể tăng cường sản xuất hooc môn chuyển hoá đường, giảm tốc độ đường vào máu, hạn chế tăng đường huyết.
Tránh ăn nhiều món chế biến sẵn, nấu quá chín
Carbohydrate (chất đường bột) là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể. Khi chọn lọc cẩn thận nguồn carbohydrate, người bệnh có thể quản lý được liều dùng thuốc.
Ngoài ra, trong chất đường bột có các loại đường đơn và đường phức hợp mà ở nhiệt độ nước sôi, đường đơn không có biến đổi đáng kể. Tuy nhiên, nếu chế biến ở nhiệt độ cao, nhất là trong môi trường khô không có nước (rang, nướng), các thành phần của tinh bột bị biến đổi cháy đen, khó tiêu hóa hoặc độc hại với cơ thể. Các thực phẩm khi bị nấu chín quá cũng hao hụt hoặc mất đi các khoáng chất, vitamin, protein..
Ăn nhiều rau quả tươi có lợi cho người bệnh tiểu đường
Không lạm dụng thuốc
Với người bệnh tiểu đường hay các bệnh mạn tính khác, uống thuốc là một liệu pháp khẩn cấp, tạm thời. Về lâu dài, nó gây ảnh hưởng đến cơ thể, mất cân bằng nội môi và có nhiều hệ lụy như đau dạ dày, thần kinh kích thích thái quá dẫn tới mất ngủ, mệt mỏi, tăng đường huyết…
Đối với tiểu đường tuýp 1, người bệnh luôn phải sử dụng hooc môn chuyển hoá đường từ bên ngoài (bởi cơ thể đã giảm hoặc ngừng sản xuất). Đối với tiểu đường tuýp 2, sau một thời gian dài dùng thuốc, đường huyết sẽ vẫn tiếp tục tăng, lúc này người bệnh buộc phải chuyển sang tiêm hooc môn và lệ thuộc vào chúng. Hooc môn chuyển hoá đường sẽ được tiêm thẳng vào máu và không qua bộ lọc của gan. Nếu nồng độ tăng cao trong máu, cơ thể sẽ chịu những tác động như tăng nguy cơ mắc ung thư, hạ đường huyết đột ngột, tích mỡ cục bộ nơi chích thuốc…
“Nếu phụ thuộc vào tác dụng cấp tính của thuốc, bạn sẽ chung sống với chúng cả đời. Tuy nhiên việc ngưng hay cắt giảm thuốc luôn cần tham khảo và được bác sĩ đồng ý”, Thạc sĩ Hồng Hà lý giải.
Theo Hoài Nhơn – VnExpress