Tuy vẫn cần nhiều bằng chứng hơn nữa trước khi đến kết luận nhưng từ lâu, giới chuyên gia đã ghi nhận liên hệ nhất định giữa tăng huyết áp và đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2.
Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) cho thấy, khoảng 60% người bị đái tháo đường được chẩn đoán tăng huyết áp, hoặc phải dùng thuốc để ổn định huyết áp.
Mức glucose huyết tăng cao (một biểu hiện thường thấy ở người bị đái tháo đường) được cho là nguyên nhân làm giảm dưỡng chất nitric oxide (NO) trong hệ động mạch, về lâu về dài sẽ gây xơ vữa thành động mạch và dẫn đến tăng huyết áp.
Ở chiều hướng ngược lại, bệnh tăng huyết áp cản trở luồng máu lưu thông đến thận, làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc lợi tiểu (diuretics) có kèm tác dụng phụ là tăng mức glucose huyết trong cơ thể.
May mắn thay, phương pháp điều trị, kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường (nhất là đái tháo đường typ 2) có nhiều nét tương đồng, bổ trợ lẫn nhau. Vậy nên, người bị tăng huyết áp lẫn đái tháo đường không nên vội bi quan.
Chỉ cần nghiêm túc tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát hai căn bệnh nguy hiểm này, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính bản thân mình.
Rèn luyện thể lực
Thường xuyên vận động thân thể và rèn luyện thể lực là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp lẫn đái tháo đường vì vừa giảm lượng glucose huyết trong cơ thể, vừa cân bằng huyết áp trong giới hạn cho phép.
Bạn nên hướng đến các bài tập có cường độ trung bình như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội v.v…trong 30-40 phút, 4-5 lần mỗi tuần. Nếu là người mới bắt đầu tập, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ để có thời khóa biểu tập luyện tối ưu nhất.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp và đái tháo đường thường chán nản vì nghĩ mình không được ăn mặn lẫn ăn ngọt. Tuy nhiên trên thực tế, bạn chỉ cần lưu ý một số điểm như:
- Tăng khẩu phần rau củ quả trong bữa ăn hằng ngày
- Chọn các sản phẩm nguyên hạt, ít béo
- Hạn chế sử dụng muối và đường trong khâu nấu nướng
- Đường bột (carb) cũng sẽ chuyển hóa thành đường trong cơ thể, thế nên bạn cần cân bằng lượng đường bột giữa các bữa ăn
Nguồn tham khảo: https://ngaydautien.vn
Ra mắt cộng đồng từ năm 2016 dưới sự bảo trợ của Hội Tim mạch học Việt Nam và Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam. Dự án Ngày đầu tiên ra đời với mong muốn giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về 3 căn bệnh thầm lặng Tăng Huyết Áp (Cao huyết áp), Đái Tháo Đường (Tiểu đường) và Đau thắt ngực, nhận biết các nguy cơ cũng như cách phòng tránh, sống khỏe cùng bệnh.